Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Mỵ Ê phu nhân

Mỵ Ê phu nhân (ảnh minh họa)
Mỵ Ê Phu Nhân 
Mỵ Ê là vương phi Chiêm Thành (thế kỉ XI), vợ của vua Chiêm Sạ Đẩu. Tháng Giêng năm Giáp Thân, niên hiệu Minh Đạo thứ 3 (1044), thân chinh vua Lý Thái Tông tiến đánh Chiêm Thành, bầy binh, bố trận ở cửa Bố chính, vua Sạ Đẩu thất bại. Quân Đại Cồ Việt chiếm được thành Phật Thệ, bắt hàng trăm cung nữ, ca kỹ và nhạc công mang về, trong đó có Mỵ Ê. Khi thuyền vua Thái Tông về đến sông Hoàng Giang (đoạn sông ở Lý Nhân) thấy bà là người phong tư yểu điệu, Thái Tông liền sai quan Trung sứ triệu Mỵ Ê sang hầu, Phu nhân nghe vậy hốt hoảng chối từ: “ thiếp là vợ vua nước man di, chẳng phải bậc tôn quý, nay nước tan chồng mất, phận thật đáng chết, thật không xứng với ân điển này, xin được xuống sông tắm rửa”. Sau đó phu nhân ngầm lấy chiếc khăn trắng quấn vào người và trẫm mình xuống sông tự vẫn để giữ trọn đạo kiên trinh (hôm đó là ngày mồng 10 tháng 3). Từ đó về sau, mỗi buổi sương khuya, trăng lạnh thường nghe tiếng khóc than ai oán. Mọi người lấy làm lạ bảo nhau: “ người này khi sống bảo toàn trinh tết, chết đi tụ được khí thiêng, hưởng lễ trăm đời, không phải là phu nhân thì còn ai nữa?” bèn lập đền thờ phụng.
Sau vua Thái Tông đi tuần đến khu vực sông ở xã Lý Nhân ( nay là thôn Lam Cầu, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân), thấy ngôi đền mới ở trên bờ sông, lấy làm lạ hỏi thì biết đó là đền phu nhân Mỵ Ê. Vua xót thương và nói rằng: “ nếu quả có linh thiêng thì phải báo cho trẫm biết”. Đêm ấy, phu nhân thác mộng cho vua, mình mặc áo Chiêm, bước lên thuyền ngự khóc rằng: “ Thiếp giữ đạo vợ chồng, sống ngủ cùng giường, chết chôn cùng huyệt, giữ tiết hạnh đến cùng. Sạ Đẩu không ngang hàng được với bệ hạ, nhưng cũng là anh hùng cự phách một cõi, thiếp luôn được hưởng ân sủng. Sạ Đẩu vì thất đạo bị Thượng đế khiển trách, mượn tay bệ hạ trị tội, làm cho mất nước, vong thân. Thiếp thì đêm ngày mong muốn báo ân. May đội ơn bệ hạ cho Trung sứ đến gặp, thiếp được chết toàn thân dưới sông. Đâu còn dám nói đến âm linh được đến tâu cùng bệ hạ”. Nói xong, bay lên trời. Vua chợt tỉnh giấc, bèn sai người sắm đồ tế lễ và phong cho ngài là “ Hiệp Chính Phu Nhân”. Thời nhà Trần, năm Trùng Hưng thứ nhất phong thêm mỹ tự cho thần là “Tả Lý Phu Nhân”. Đến năm thứ 4, phong thêm hai chữ “ Trinh Liệt”. Đến năm Hưng Long thứ 21, phong thêm hai chữ “ Chân Mãnh” để biểu dương khí tiết đoan chính của phu nhân. Từ triều Trần cho đến các triều đại sau đều gia phong thêm mỹ tự cho thần.
Tương truyền đoạn sông ở xã Lý Nhân nơi Mỵ Ê phu nhân tuẫn tiết, nhân dân quanh khu vực này đều mơ thấy phu nhân báo mộng từ đó nhân dân lập đền thờ mong phu nhân bảo trợ cho dân làng. Làng Trà Trữ thờ bà ở đình với mong muốn như trên, hiện ở đình còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.